30.5 2022

Bát giác liên

Bát giác liên, Cước diệp - Dysosma versipellis (Hance) M. Cheng, thuộc họ Hoàng Liên gai - Berberidaceae.

♦ Mô tả: Cây thảo cao 30-50cm. Thân rễ cứng chia nhiều đốt. Thân nhẵn, mọc đứng, màu lục. Lá mọc so le, thường có 2 lá, có cuống dài dính vào giữa phiến lá; phiến lá dài 16-20cm, rộng 12-14cm, có 6-8 thuỳ cạn hay sâu, mép khía răng, tán hoa không cuống mang 5-8 hoa có cuống dài; hoa to, màu đỏ đậm. Quả mọng đen, to 12mm, chứa nhiều hạt. Ra hoa tháng 3-5, có quả tháng: 9-10.

♦  Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Dysosmae Versipellis; thường gọi là Quỷ cừu.

♦ Nơi sống và thu hái: Cây mọc nhiều ở núi cao, chỗ ẩm mát, ven suối Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Phú, Hoà bình, Ninh Bình, Hà Tây. Thu hái rễ vào mùa thu, đông, thu hái lá vào mùa xuân, trước khi cây có hoa, dùng tươi hay phơi khô và dùng dần.

♦ Tính vị, tác dụng: Vị đắng cay, tính ấm, có độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoá đàm tán kết, khu đàm tiêu thũng.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị mụn nhọt lở ngứa, tràng nhạc, sưng yết hầu, đòn ngã, dao chém và rắn độc cắn. Ðơn thuốc: 1. Chữa rắn cắn: 6-12g thân rễ Bát giác liên giã nát, lấy nước uống, bã đắp. 2. Chữa sưng tấy, áp xe vú, nhọt độc: Lá tươi Bát giác liên giã nhỏ, hơ nóng đắp, ngày một lần

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

 

Giỏ hàng