Bạch chỉ nam. Ðậu chỉ hay Mát rừng - Milletia pulchra Kurz, thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
♦ Mô tả: Cây to, cao 5-7m. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 11-17 lá chét. Hoa màu tím hồng, mọc thành chùm ở nách lá gần ngọn. Quả đậu hình dao, nhẵn, cứng. Hạt hình trứng dẹt, màu vàng nhạt. Cây ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 9-10.
♦ Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Milletiae Pulchrae.
♦ Nơi sống và thu hái: Cây của miền Ðông Dương, mọc hoang và cũng được trồng ở các tỉnh miền núi và trung du. Có thể thu hái rễ quanh năm, thường lấy ở những cây nhỏ. Rửa sạch thái phiến phơi khô.
♦ Tính vị, tác dụng: Củ có vị đắng, hơi cay, mùi thơm hơi hắc, tính mát; có tác dụng giải cảm, giảm đau đầu và nhức mắt, phát tán, thông kinh lạc, tiêu phong nhiệt ngứa gãi, sưng tấy, làn ráo mủ và đắp vết thương rắn cắn.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được chỉ định dùng trị cảm mạo, sốt nóng, bí mồ hôi, ngạt mũi, nhức đầu, sợ gió, tay chân nhức mỏi, phong thấp đau xương, nhức mắt, viêm da do dị ứng sơn (sơn ăn) ban trái, đậu mùa. Liều dùng 8-16g cho đến 40g, dạng thuốc sắc hoặc bột. Có thể dùng củ tươi mài với nước gạo hoặc nước cơm, bôi trị sơn ăn làm lở ngứa, chảy máu. Người thiếu máu, suy nhược cơ thể không nên dùng. Ðơn thuốc: 1. Phong nhiệt mần ngứa: Rễ Bạch chỉ nam, Ðơn kim, Liễu đỏ, mỗi vị 30g sắc uống. 2. Phong thấp đau nhức: Bạch chỉ nam, cành Liễu, Huyết đằng, mỗi vị 20g sắc uống. 3. Ðau bụng, kém tiêu, ỉa chảy: Bạch chỉ nam 20g, vỏ Quít 12g, Hậu phác nam 8g sắc uống.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.