Sâm bố chính, Bố chính sâm, Thổ hào sâm - Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr. (Hibiscus sagittifolius Kurz). thuộc họ Bông - Malvaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo cao 0,3-1m. Rễ mập thành củ to bằng ngón tay cái màu vàng nhạt. Lá mọc so le, có cuống dài. Lá ở gốc hình bầu dục không xẻ, lá giữa và lá ngọn xẻ 5 thuỳ hình dải, cuống lá ngắn hơn phiến, có lông. Hoa màu hồng hay nâu đỏ, có pha ít màu vàng, mọc riêng lẻ ở nách lá. Quả hình trứng nhọn, có 5 mảnh vỏ phủ lông ở cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Hạt hình thận, màu nâu. Cây ra hoa vào tháng 6-7.
♦ Bộ phận dùng: Rễ, lá - Radix et Folium Abelmoschi Sagittifolii.
♦ Nơi sống và thu hái: Loài cây của Nam Trung Quốc và các nước Đông dương, mọc hoang và cũng được trồng làm thuốc. Thu hái rễ vào mùa thu đông, ngâm nước vo gạo, đồ chín rồi phơi khô.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, có chất nhầy, tính bình; có tác dụng bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch; sao với gạo thì tính ấm bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá, thêm mạnh sức. Ở Trung Quốc, người ta xem rễ, lá như có tác dụng tư âm thanh nhiệt, bài nung bạt độc.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Trước đây, Hải Thượng Lãn ông dùng rễ Sâm bố chính phối hợp với các thuốc khác để chữa bệnh ho, sốt nóng, gầy mòn. Hiện nay, nhiều người dùng nó làm thuốc bổ, thông tiểu tiện, điều kinh, chữa được bệnh sốt, bệnh phổi và bạch đới. Dùng ngoài lấy lá và hoa xát chữa ghẻ ngứa. Ở Trung Quốc, rễ và lá dùng chữa lao phổi, ho do phổi khô, sản hậu tiện bí, thần kinh suy nhược, mụn nhọt sưng lở. Ngày dùng 6-12g sắc uống, ngâm rượu hoặc tán bột uống. Đơn thuốc: 1. Bổ khí huyết: Sâm bố chính 30g, Hồi dầu 12g, Hoài sơn, Đương quy, Ý dĩ sao, đều 15g, sấy khô, tán bột làm viên với mật ong hay mạch nha, uống mỗi ngày 15-20g. 2. Người suy nhược gầy yếu, khô khát, táo bón, đái són: Sâm bố chính nấu thành cao, hoà với sữa người hay cao ban long uống. 3. Bạch đới: Rễ Sâm bố chính giã nhỏ và nấu với Gạo nếp ăn.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.