Tía tô, Tử tô - Perilla frulescens (L.) Britton, thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo sống lâu năm cao 0,3-1m. Thân vuông có rãnh dọc và có lông. Lá mọc đối, có cuống dài, mép khía răng, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu tía hay xanh tía, có khi cả hai mặt đều tía, có lông. Hoa trắng hay tím nhạt mọc thành chùm ở nách lá hay đầu cành. Quả hình cầu, màu nâu nhạt. Ra hoa quả tháng 9-10.
♦ Bộ phận dùng: Lá - Folium Perillae, thường gọi Tử tô diệp; Quả - Fructus Perillae, thường gọi là Tử tô tử; Thân - Caulis Perillae, thường gọi là Tử tô ngạnh.
♦ Nơi sống và thu hái: Cây của phân vùng Ấn Độ - Malaixia, được trồng nhiều làm rau gia vị và làm thuốc. Trồng bằng hạt chọn ở những cây to khoẻ không sâu bệnh, gieo vào tháng 1-2. Vào tháng 3-4, có thể thu hái lá lần thứ nhất, sau đó khoảng một tháng, có thể thu hái lần hai. Sau lần hái đầu tiên,
cần chăm sóc bằng cách tươi nước tiểu loãng hoặc bằng khô dầu giã nhỏ bón vào gốc. Mỗi cây có thể thu hái 2-3 lần lá. Khi thu hái lá, cành về phải phơi trong mát hay sấy nhẹ cho khô để giữ lấy hương vị.
♦ Thành phần hóa học: Trong cây có tinh dầu (0,5%) mà thành phần chủ yếu là perilladehyd, l-perilla-alcohol, limoneli, -pinen, dihydrocumin; còn có elsholtziaketone. Hạt có dầu béo gồm các acid oleic và linolenic; các acid amin: arginin, histidin, leucin, lysin, valin.
♦ Tính vị, tác dụng: Tía tô có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Lá có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiêu hoá, trừ cảm lạnh. Thân cành lợi tiêu hoá. Hạt trừ hen, trị ho, làm long đờm.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá dùng trị 1. Sổ mũi, đau đầu, ho; 2. Đau tức ngực, buồn nôn, nôn mửa; 3. Giải độc cua cá. Thân cành dùng trị 1. Đau tức ngực, đầy bụng; 2. Nôn mửa khi có thai, có thai đau bụng ra huyết, thai trồi lên. Hạt dùng trị ho, thở khò khè. Thường dùng 5-10g, dạng thuốc sắc. Cách dùng: lá Tía tô tươi thái nhỏ với hành, ăn với cháo nóng chữa cảm cúm. Làm rau ăn hằng ngày giúp tiêu hoá, giải cảm, giải nóng. Nước vắt lá tươi hoặc nước sắc lá khô (10-20g) giải độc cua cá. Lá tươi ngâm giấm, uống mỗi lần hai thìa cà phê trị nhức đầu, nóng lạnh, ho khò khè. Còn phối hợp với các loại lá khác chữa cảm cúm. Nước sắc hạt chữa ho, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu. Nước sắc cành Tía tô với rễ gai dùng chữa động thai. Nếu thấy ra máu thì thêm lá Huyết dụ (Phất dũ). Đơn thuốc: Chữa bệnh ngoại cảm (trúng sương, trúng nắng, nhức đầu, sổ mũi, nóng lạnh): Củ cỏ cú (sao) 100g, Lá tía tô 100g, Hậu phác 50g, lá Thường sơn 50g, Thần thông 100g, Hoắc hương 100g, Gừng khô 50g, lá Bạc hà 100g. Các vị hiệp chung tán bột thật nhuyễn, mỗi lần 1 muỗng cà phê, ngày 2-3 lần (Kinh nghiệm ở An Giang).
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển III, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.