Vòi voi, Dền voi - Heliotropium indicum L., thuộc họ Vòi voi - Boraginaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo cao khoảng 25-40cm, có thân khỏe, cứng mang nhiều cành. Trên thân và cành có nhiều lông ráp, thân già nhẵn. Lá mọc đối, hình trái xoan, chóp lá hơi nhọn, gốc lá thuôn đầu men theo cuống, cả hai mặt lá đều có nhiều lông, mép lá hơi lượn sóng hoặc có răng cưa không đều. Hoa màu tím nhạt hoặc trắng, không cuống, mọc so le, nhưng đều nhau, trên hai hàng, tạo thành cụm hoa xim bọ cạp, dài 8-11cm ở ngọn cành hay ở nách lá. Quả gồm 4 quả hạch con hình tháp.
♦ Bộ phận dùng: Toàn cây- Herba Heliotropii Indici.
♦ Nơi sống và thu hái: Loài liên nhiệt đới, mọc hoang trên các bãi cỏ, nương vườn bỏ hoang ở nhiều nơi. Thu hái cây, rễ quanh năm, chủ yếu vào mùa hè thu, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô dùng dần.
♦ Thành phần hóa học: Trong cây có heliotrin là một alcaloid pyrolizidin gây ung thư, nhưng lại có indixin và indixin N-oxyd mà chất sau lại có tác dụng ức chế khối u.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị đắng, nhạt, hơi cay, mùi hăng, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu thũng, giải độc.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị 1. Phong thấp sưng khớp, lưng gối nhức mỏi; 2. Loét cổ họng bạch cầu; 3. Viêm phổi, viêm mủ màng phổi; 4. ỉa chảy, lỵ; 5. Viêm tinh hoàn, nhọt sưng tấy và viêm mủ da. Liều dùng 15-30g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát đắp trị mẩn ngứa, nhiễm khuẩn ecpet mảng tròn, rắn cắn, sang dương thũng độc.
+ Ðơn thuốc: 1. Viêm phổi, viêm mủ màng phổi: Dùng 60g cây tươi, đun sôi trong nước và uống với mật ong. Hoặc giã 60-120g cây tươi lấy dịch và uống với mật. 2. Sưng amygdal: Dùng lá tươi nghiền ra lấy dịch súc miệng ngày 4-6 lần. 3. Chữa phong thấp nhức mỏi tê bại, đau các khớp xương, bán thân bất toại; Vòi voi khô 300g, rễ Nhàu rừng 200g, củ Bồ bồ 150g. Cỏ mục 100g. Các vị hiệp chung tán nhuyễn vò ra viên bằng hạt tiêu, mỗi lần uống 20-30 viên. Ngày 2-3 lần (Kinh nghiện ở An Giang). Ghi chú: Người già yếu cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, ỉa chảy lâu ngày hay chân lạnh, không nên dùng.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.