Cây vú bò - Ficus heterophyllus L., thuộc họ họ Dâu tằm: Moraceae.
♦ Mô tả: Vú bò là một cây nhỏ, thuộc thảo cao l-2m, sống lâu năm, cành thưa. Lá mọc so le, phiến lá chia 3-5 thùy, có khía răng cưa. Mặt lá nháp, gân nổi rõ. Hoa mọc ở nách lá. “Quả” thực ra là cụm hoa đặc biệt, gồm đế cụm hoa lõm hình cái chén gần kín miệng, ở trong chứa hoa. Quả thật thuộc loại quả hạch con, chứa trong đế cụm hoa (mà ta vẫn gọi nhầm là hạt), hình cầu, đường kính 10mm, đầu quả có một núm nhỏ màu đỏ giống như đầu vú con bò hay con chó. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Có hoa từ tháng 12 đến tháng 2.
♦ Bộ phận dùng: Rễ và vỏ rễ - Radix et Cortex Radicis Fici
♦ Nơi sống và thu hái: Thường mọc hoang ở khắp những vùng đồi núi nước ta. Người ta dùng rễ, nhựa mủ và toàn cây. Thường rể đào về, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Có khi sao vàng hay tẩm mật sao cho thơm. Có khi nấu thành cao đặc mà dùng.
♦ Thành phần hóa học: Acid hữu cơ, acid amin, flavonoid, triterpen, alkaloid, coumarin.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng khư phong thấp, tráng cân cốt, khu ứ, tiêu thũng.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ trị phong thấp tê đau, tổn thương do lao lực, sưng vú, đòn ngã tổn thương, phụ nữ kinh bế, bạch đới, ít sữa. Liều dùng 15-30g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài nấu nước rửa. Ðơn thuốc: (ở Trung Quốc) 1. Kinh bế, sản hậu ứ huyết đau bụng: Rễ vú bò 30-60g sắc với rượu và nước để uống. 2. Sưng đau tinh hoàn: Rễ Vú bò tươi 60-120g sắc nước uống. 3. Bạch đới: Rễ vú bò khô 60g sắc nước uống.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập 2, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.