30.5 2022

Kinh giới núi

Chùa dù, Kinh giới rừng, Kinh giới núi - Elsholtzia blanda (Benth.) Benth., thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.

♦ Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, cao 0,5-1,5m. Thân vuông, có lông mềm, phân nhánh nhiều. Lá mọc đối; phiến lá hình mác, hai đầu thuôn nhọn, dài 3-15cm, rộng 0,8-4cm, mặt trên nhẵn, chỉ có lông ở gân, mặt dưới có lông mịn, mép khía răng không đều, đôi khi có viền hơi tím; cuống ngắn 0,3-1,5cm. Cụm hoa hình bông dày, dài 4-8cm, có thể đến 20cm, mọc ở nánh lá và ở ngọn; hoa màu trắng xếp dày đặc thành vòng sít nhau; đài hình chuông ngắn, có lông ở mặt ngoài; tràng hoa hơi có lông ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong, có 4 thuỳ gần bằng nhau; nhị 4, hai cái dưới hơi thò dài. Quả hình bầu dục, dẹt, dài 0,5-1mm, màu nâu đen. Mùa hoa tháng 6-10, mùa quả 10-12.

♦  Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Elsholtziae Blandae.

♦ Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở vùng núi cao và rừng thông, từ Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn... qua Nghệ An, đến các tỉnh Tây Nguyên, Kontum và Lâm Ðồng; có nơi chúng tập trung thành bãi lớn. Người ta thu hái toàn cây, từ tháng 7-8 cho đến khi cây tàn lụi vào tháng 11-12, mang về phơi khô dùng làm thuốc hoặc cất lấy tinh dầu.

♦ Thành phần hóa học: Cả cây chứa tinh dầu, hàm lượng 0,4-0,6%, có mùi thơm như khuynh diệp hoặc tràm; thành phần chủ yếu là cineol.

♦ Tính vị, tác dụng: Chùa dù có vị cay đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, lợi tiểu, giải nhiệt, giảm đau và sát khuẩn.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Trong nhân dân, cây Chùa dù được dùng làm thuốc chữa cảm cúm, sốt, ho, tiểu tiện khó do bị viêm, tiểu tiện ra máu. Ngày dùng 10-15g cây khô, dạng thuốc sắc hay hãm. Có thể dùng cây tươi để xông chữa cảm cúm, hoặc dùng cây tươi giã nát đắp hay xoa bóp chỗ đau khi trẻ em ho hay sốt. Cũng có thể sử dụng tinh dầu để thay thế và dùng chữa các chứng đau và ỉa chảy. Rễ Chùa dù được dùng để trị sốt rét; ngày dùng 8-10g dạng thuốc sắc.

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

 

Giỏ hàng