- Gần đây do "bão" thông tin mạng xã hội, cây bọ mắm đang được coi như một loại "Thần Dược" điều trị bệnh ho, viêm phổi, ung thư...vv chỉ bằng cách đơn giản là sắc nước uống hằng ngày. Do vậy, mặt hàng dược liệu này cung không đủ cầu, giá dược liệu tăng chóng mặt theo từng ngày và từng giờ, cơn sốt bọ mắm đang lan mạnh mẽ từ đồng bằng đến miền núi, từ miền nam ra miền bắc, thị trường hỗn loạn thông tin thật-giả. Nhằm cung cấp thông tin khoa học thảo dược chuẩn xác nhất đến bạn đọc, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, rà soát các tài liệu chuyên ngành thực vật tại Việt Nam, đối chiếu với các thông tin ở nước ngoài, các nghiên cứu khoa học y-dược thực nghiệm và lâm sàng, trên đối tượng cây bọ mắm: Pouzolzia zeylanica (L.) Benn. để cung cấp thông tin ban đầu đến bạn đọc, giúp mọi người có góc nhìn tổng quát , tránh được những rủi ro, nhầm lẫn trong sử dụng và kinh doanh cây bọ mắm.
- Theo Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (2003), Danh lục thực vật Việt Nam, tập 2, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội., chi bọ mắm tai việt nam ghi nhận 4 loài ( Thực vật Trung Quốc ghi nhận 8 loài và 6 dưới loài, so với tổng số loài chi bọ mắm: Pouzolzia Gaudich. trên thế giới là 52 loài )
1. Pouzolzia auriculata Wight - thuốc vòi tai
2. Pouzolzia elegans Wedd. in DC. - Thuốc vòi thanh
3. Pouzolzia sanguinea (Blume) Merr. - Bọ mắm rừng
4. Pouzolzia zeylanica (L.) Benn. - Bọ mắm, thuốc dòi(vòi)
- Loài đang được mọi người quan tâm nhất hiện nay là Bọ mắm, thuốc dòi: Pouzolzia zeylanica (L.) Benn. thế giới có 4 thứ khác nhau (var.) gồm:
4.1 Pouzolzia zeylanica var. angustifolia (Wight) J.Sinclair
4.2 Pouzolzia zeylanica var. calcicola Friis & Wilmot-Dear
4.3 Pouzolzia zeylanica var. microphylla (Wedd.) Masam.
4.4 Pouzolzia zeylanica var. zeylanica
- Theo tài liệu trong nước, cây bọ mắm là vị thuốc chữa viêm họng, viêm ruột, lỵ, đinh nhọt, nhiễm trùng tiết niệu, ho, ho lâu ngày. Ngày dùng 20-40g tươi hoặc 10-20g khô sắc uống.
- Người ta xác định độc tính cấp cho thấy LD50 khi tiêm màng bụng chuột nhắt trắng là 1000mg/kg, tương đương dược liệu khô 10g/kg. Độc tính cấp qua đường uống LD50 trên chuột 2000mg/kg, tương đương 20g/kg. Chứng tỏ cây bọ mắm cũng có độc tính nhẹ.
- Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy bọ mắm có thành phần hóa học gồm: beta-sitosterol, daucosterol, acid oleanolic, epicatechin, alpha-amyrin, eugenyl-beta-rutinoside, 2alpha, 3alpha, 19alpha-trihydroxyurs-12-en-28-oic, scopolin, scutellarein-7-O-alpha-L-rhamnoside, scopoletin, quercetin, quercetin-3-O-beta-D-glucoside, quercetin 3,7-dirhamnoside, apigenin, acid 2alpha-hydroxyursolic. trong đó một số hoạt chất thể hiện khả năng chống viêm, ức chế phát triển tế bào ung thư trong ống nghiệm.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập 1, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.
- Nguyễn Tiến Bân và cộng sự (2003), Danh lục thực vật Việt Nam, tập 2, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội