Ðảng sâm, Sâm leo, Dùi gà - Codonopsis javanica (Blume) Hook f. (Campanumoea javaniea Blume), thuộc họ Hoa chuông - Campanulaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, thân leo dài độ 2-3m, phân nhánh nhiều, rễ phình thành củ hình trụ dài, phía dưới phân nhánh, màu vàng nhạt. Thân và củ có mủ trắng. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục, dài 3-6cm, rộng 2,5-4,5cm, mềm, mỏng, màu xanh lá mạ, mặt dưới có lông nhung trắng, mép lá có răng cưa tù; cuống lá dài 3,5-7cm. Hoa hình chuông mọc đơn độc ở nách lá, đài có 5 thuỳ, gốc hơi dính, tràng hoa màu xanh lá mạ, đỉnh có 5 thuỳ. Quả nang có 5 cạnh, khi chín màu tím mang đài hoa tồn tại. Hạt tròn nhỏ, màu nâu. Mùa hoa quả tháng 12-1.
♦ Bộ phận dùng: Củ - Radix Codonopsis javanicae, cũng dùng như củ loài Ðảng sâm Trung Quốc, lá có thể dùng ăn.
♦ Nơi sống và thu hái: Ðảng sâm phân bố ở nhiều nước Ðông nam á. Ở nước ta, Ðảng sâm mọc ở trong các chỗ trống, thường ở ven các rừng thứ sinh, rú bụi, có khi trong các trảng savan có ở độ cao 900-2.200m, thuộc các tỉnh từ Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình vào các tỉnh Tây Nguyên. Kontum, Lâm Ðồng (vùng Ðà Lạt). Cũng thường được trồng lấy củ làm thuốc, gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Sau 3 năm có thu hoạch. Nhân dân thường vào đồi cỏ đào củ về dùng, hoặc người ta thu củ trồng vào mùa thu đông, rửa sạch cát bẩn, cắt bỏ đầu rễ và các rễ con, phơi nắng nhẹ hay sấy ở nhiệt độ thấp cho khô dần rồi làm cho rễ mềm, sau đó lại phơi hay sấy nhẹ đến thật khô. Khi dùng thái miếng, tẩm nước gừng sao qua.
♦ Thành phần hóa học: Lá Ðảng sâm non chứa nước 77,5%, protid 4,2%, glucid 13,1%, xơ 3,3%, caroten 3,6mg%, vitamin C 85,5mg%. Sơ bộ thấy trong rễ cây có đường, chất béo; không có saponin. Còn có tinh dầu, glucosid sentellarin và vết alcaloid.
♦ Tính vị, tác dụng: Ðảng sâm có vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, sinh tân dịch, giải khát. Công
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả Ðảng sâm ăn được, rễ củ có thể ăn sống. Ngọn và lá non có thể dùng xào hay nấu canh ăn. Củ thường được dùng làm thuốc như Ðảng sâm Trung Quốc để chữa cơ thể suy nhược, mỏi mệt ăn không ngon, đại tiện lỏng, phế hư, phiền khát, thiếu máu, vàng da, bệnh bạch huyết, viêm thượng thận, nước tiểu có albumin, chân phù đau. Còn dùng làm thuốc bổ dạ dày, chữa ho, tiêu đờm, lợi tiểu. Liều dùng 6-12g cho tới 20-40g, dạng thuốc sắc, viên hoàn hay bột. Thường phối hợp với các vị thuốc bổ khác.
+ Ðơn thuốc: 1. Bài thuốc bồi dưỡng cơ thể, thận suy, đau lưng mỏi gối, đái dắt: Dùng Ðảng sâm 20g, Tắc kè 5g, Huyết giác 1g, Trần bì 1g, Tiểu hồi 0,5g, rượu 40o 250ml, đường đủ ngọt. Các vị cắt nhỏ ngâm rượu độ một tháng. Mỗi lần uống 30ml, ngày 1-2 lần (Theo Dược liệu Việt Nam). 2. Chữa người già hay ốm lâu suy yếu, hoặc làm việc quá độ, ngồi đứng lâu nóng nhiều, mệt hơi háo sức, tim nhảy không đều, thở yếu ngắn hơi, mệt nhọc không muốn nói, chỉ thích nằm, suốt lưng đau ê ẩm, tay chân rũ mỏi, đi lại hoạt động hạn chế: Dùng Ðảng sâm 40g, Long nhãn, Ðương quy, Ngưu tất, Mạch môn đều 12 g sắc uống ngày một thang. Hoặc thêm sâm tốt 4-8g uống riêng, nếu bệnh nặng nguy cấp (theo Lê Trần Ðức). 3. Ho nhiều đờm, nước tiểu có albumin: Dùng Ðảng sâm 6-12g (tới 30g), nước 750ml, sắc còn 250ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. 4. Da vàng (hay viêm gan vàng da): Dùng Ðảng sâm 12g, Nhân trần 30g, Hạ khô thảo 12g, Mã đề 12g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.