Dây song bào - Diploclisia glaucescens (Blume) Diels, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.
♦ Mô tả: Dây leo to, thân rộng 4-10cm, cành hơi xám và có vẩy nhẵn và có khía khi còn non. Lá có phiến xoan tim, dài 6-11cm, rộng 6-11cm, đáy ngang hay lõm, có khi hình lọng, không lông, mặt dưới hơi mốc, gân ở gốc 5; cuống lá thường dài 3-7cm, chuỳ hoa trên thân già; hoa đực có 6 lá đài, 6 cánh hoa; 6 nhị; hoa cái có 6 nhị lép. Quả hạch tròn dài, hơi cong dài. Hoa tháng 2.
♦ Bộ phận dùng: Dây và lá - Herba et Folium Diploclisiae.
♦ Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở rừng còi và ven rừng tới độ cao 1200m, tại nhiều nơi ở miền Bắc và đến tận Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hoà, Tây Ninh. Còn phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác của Á châu nhiệt đới.
♦ Thành phần hóa học: Lá chứa chất nhầy và saponin.
♦ Tính vị, tác dụng: Dây, lá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong trừ thấp.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, Dây song bào được dùng làm thuốc trị 1 Rắn độc cắn; 2. Phong thấp đau nhức xương; 3. Nhiễm trùng niệu đạo. Ở Ấn Độ lá được tán thành bột và dùng uống với sữa để điều trị bệnh giang mai, thiểu năng mật và bệnh lậu. Liều dùng 20-40g, dạng thuốc sắc. Để trị rắn cắn, dùng lá tươi giã nát bôi xung quanh miệng vết thương.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.