Hoàng tinh hoa đỏ, Hoàng tinh lá mọc vòng, Củ cơm nếp - Polygonatum kingianum Coll et Hemsl., thuộc họ Hoàng tinh - Convallariaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo sống lâu năm, cao 1-2m, không lông, thân to 1cm, rỗng, thân rễ mập thành củ to, màu trắng ngà, chia đốt, có khi phân nhánh. Lá chụm 5-10 lá, dài đến 12cm, chóp lá có mũi nhọn dài quấn lại; gân chính 3. Cụm hoa xim ở nách lá, mang 8-12 hoa, hồng hay đỏ, dài đến 2cm, mọc rủ xuống; bao hoa có ống dài 15mm; nhị 6, chỉ nhị hẹp, dài bằng bao phấn; bầu hình trứng tam giác. Quả mọng, hình trái xoan hay hình cầu, màu lam tím. Mùa hoa tháng 3-5, quả tháng 6-8.
♦ Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Polygonati; cũng gọi là Hoàng tinh
♦ Nơi sống và thu hái: Cây mọc nơi ẩm mát, vùng núi cao nhiều nơi ở tỉnh Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An, Yên Bái. Thu hoạch củ vào mùa thu - đông. Rửa sạch, đồ chín, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng đun với nước mật, rồi phơi khô. Đồ và phơi như vậy 9 lần đến khi có màu đen đen như củ Thục địa là được. Nếu không nấu như trên thì vị ngứa không dùng được.
♦ Thành phần hóa học: Thân rễ chứa chất nhầy, tinh bột, đường.
♦ Tính vị, tác dụng: Hoàng tinh có vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ trung ích khí, trừ phong thấp, nhuận tâm phế, ích tỳ vị, trợ gân cốt, thêm tinh tuỷ, đen tóc sống lâu. Ngày nay người ta đã biết Hoàng tinh hoa đỏ có tác dụng bổ, làm hạ đường huyết, làm săn da và làm dịu viêm.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Là vị thuốc bổ được dùng chữa các chứng hư tổn, suy nhược, chứng mệt mỏi. Còn được dùng chữa bệnh tăng huyết áp. Dùng ngoài làm thuốc đắp chữa sưng tấy, đụng giập, trĩ. Ngày dùng 12-20g, dạng thuốc bột, thuốc viên, thuốc sắc, hoặc ngâm rượu uống. Đơn thuốc: 1. Chữa các chứng hư tổn suy nhược: Hoàng tinh nấu và phơi 9 lần, nhai ăn hoặc tán bột ăn với cháo (Nam dược thần hiệu). 2. Mạnh gân xương, làm đen tóc và chữa các bệnh: Hoàng tinh, phối hợp với Thương truật, Địa cốt bì, lá Trắc bá, Thiên môn để ngâm rượu (Vệ sinh yếu quyết). Ghi chú: ở Trung Quốc, người ta gọi loài này là Đạo hoàng tinh (Hoàng tinh của Vân Nam), cũng được dùng như các loài khác - Polygonatum cyrtonema Hua. P sibiricum Rehd.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.