24.5 2022

Lu lu đực

Lu lu đực, Thù lù đực, Cây nụ áo, Cà đen - Solanum nigrum L., thuộc họ Cà - Solanaceae.

♦ Mô tả: Cây thảo cao 30-100cm, sống hằng năm hoặc lâu năm, có thân phân cành. Lá nguyên, hình trái xoan nhọn, thuôn dần thành cuống; phiến hơi phân thuỳ hay có góc. Hoa họp thành chùm dạng tán ở các cành bên; tràng hoa màu trắng hoặc hồng hay tim tím, rộng 1-1,2cm, cuống hoa dài 1-2mm. Quả nang tròn, lúc còn non có màu lục sau chuyển sang màu vàng hay đỏ, khi chín hẳn có màu đen, chứa nhiều hạt dẹp. Cây ra hoa vào mùa thu.

♦  Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Solani Nigri, thường gọi là Long quỳ.

♦ Nơi sống và thu hái: Cây toàn thế giới, mọc hoang ở vùng núi, trong các bãi hoang, ruộng khô. Thu hái vào mùa hè thu, dùng tươi hay phơi khô.

♦ Thành phần hóa học: Trong cây có Solanigrine, solasodine, solanigridine. Lá chứa sinh tố C với hàm lượng khá cao 215mg trong 100g. Quả và hạt giàu hoạt chất hơn là lá, còn có các terpen, nhựa.

♦ Tính vị, tác dụng: Vị đắng, hơi ngọt, tính hàn, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu. Ở châu Âu, người ta cho rằng nó có tính chống co thắt, giảm đau, làm dễ ngủ, an thần; dùng ngoài nó có tính làm dịu.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Được sử dụng dùng chữa 1. Cảm sốt, viêm hầu họng; 2. Viêm phế quản cấp; 3. Bệnh đường tiết niệu, viêm thận cấp, viêm tiền liệt tuyến, tiểu tiện khó khăn; 4. Bạch đới quá nhiều, lỵ; 5. Viêm vú, u ác tính. Liều dùng 9-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, viêm mủ da, chốc lở, eczema và rắn cắn; lấy cây tươi giã đắp hoặc nấu nước rửa đắp. Đơn thuốc: Viêm phế quản cấp: Lu lu đực 30g, Cát cánh 10g, Cam thảo 3g, sắc uống.

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

 

Giỏ hàng