24.5 2022

Lưỡi rắn trắng

Lưỡi rắn trắng, Bòi ngòi bò - Hedyotis diffusa Willd; thuộc họ Cà phê - Rubiaceae.

♦ Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, mọc bò, nhẵn. Thân cao 30-50m hình bốn cạnh, màu nâu nhạt, tròn ở gốc. Lá hình dải hơi thuôn dài 1-3cm, rộng 1-3mm, nhọn ở đầu, màu xám, dai, không cuống, lá kèm khía răng ở đỉnh. Hoa thường mọc đơn độc, hoặc từng đôi ở nách lá. Đài 4, hình giáo nhọn, ống đài hình cầu. Tràng 4, màu trắng ít khi hồng. Nhị 4, đính ở họng ống tràng. Bầu hai ô, 2 đầu nhuỵ, nhiều noãn. Quả khô, dẹt ở đầu, có đài tồn tại ở đỉnh, chứa nhiều hạt có góc cạnh. Ra hoa hầu như quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa hè - thu (tháng 7-9).

♦  Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Hedyotidis Diffusae, thường gọi là Bạch hoa xà thiệt thảo.

♦ Nơi sống và thu hái: Thông thường ở bờ ruộng vùng trung du và ở đồng bằng nhiều nơi, nhất là vào tháng 6. Thu hái cả cây vào mùa hạ, thu, rửa sạch phơi khô để dùng.

♦ Thành phần hóa học: Có 31 hydrocarbur; có acid oleanolic, acid p-coumaric, stigmasterol, -sitosterol, sitosterol-D-glucose.

♦ Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết lợi niệu, tiêu ung tán kết.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị 1. Viêm các loại như viêm đường tiết niệu, viêm amygdal, viêm hầu họng, viêm ruột thừa; 2. Viêm gan và viêm gan hoàng đản cấp, sỏi mật; 3. U ác tính, có thể kìm hãm hoặc thuyên giảm bệnh trạng; 4. Lỵ trực trùng; 5. Mụn nhọt ung thũng, đòn ngã bầm đau, rắn độc cắn, trẻ em cam tích. Dùng khô mỗi lần 40-80g, dùng tươi mỗi lần 60-320g, sắc nước uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp. Ở Ấn Độ, nước sắc cây được dùng chữa thiểu năng mật, huyết xấu, sốt và bệnh lậu. Đơn thuốc: Viêm ruột thừa: Lưỡi rắn trắng 60g, sắc nước uống chia 3 lần trong ngày.

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

Giỏ hàng