24.5 2022

Mã đề

Mã đề - Plantago major L, thuộc họ Mã đề - Plantaginaceae.

♦ Mô tả: Cây thảo sống lâu năm cao 15-20cm, có thân ngắn. Lá mọc thành cụm ở gốc, có cuống rộng ngắn hơn phiến, phiến hình thìa hay hình trứng, có 2-3 gân hình cung. Hoa nhỏ màu trắng xếp thành bông dài, mọc đứng. Quả hộp nhỏ hình cầu, chứa 6-18 hạt. Hạt nhỏ trong hay bầu dục, to 1-1,5mm màu đen bóng. Mùa hoa quả tháng 5-8.

♦  Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt - Herba Plantaginis, thường gọi là Xa tiền thảo và hạt - Semen Plantaginis, thường gọi là Xa tiền tử.

♦ Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Âu Á ôn đới nay trở thành cây toàn thế giới. Mọc hoang và thường được trồng. Trồng bằng hạt nơi đất ẩm mát và mùa xuân. Vào tháng 7-8, lúc quả chín, thu hái toàn cây đem về phơi khô, đập quả lấy hạt, rồi phơi khô cất dành.

♦ Thành phần hóa học: Toàn cây chứa một glucosid là aucubin hay rinantin. Lá có chất nhầy, chất đắng, caroten, sinh tố C, K, T, acid citric. Trong hạt có nhiều chất nhầy, acid plantenolic, adenin và cholin.

♦ Tính vị, tác dụng: Mã đề có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, lợi phế, làm long đờm.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa: 1. Sỏi niệu và nhiễm trùng đường niệu, viêm thận, phù thũng; 2. Cảm lạnh ho, viêm khí quản; 3. Viêm ruột, lỵ; 4. Viêm kết mạc cấp, viêm gan; 5. Ðau mắt đỏ có màng. Dùng toàn cây 15-30g, hạt 5-10g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã cây tươi đắp mụn nhọt. Ở Thái Lan, toàn cây được dùng lợi tiểu, trị viêm họng và dùng ngoài trị viêm mủ da, sâu bọ cắn và dị ứng.
Cách dùng: Lá sắc hoặc nấu cao uống làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, tả lỵ, mắt đỏ đau. Cả cây nấu cao đặc bôi trị bỏng. (Lấy bông nhúng thuốc đắp lên chỗ bỏng băng lại, mỗi ngày thay 1 lần). Cây tươi sắc nước uống chữa huyết áp cao. Lá tươi sắc uống chữa lỵ cấp tính và mạn tính. Lá tươi giã nát đắp mụn nhọt, làm mụn nhọt chóng vỡ mủ và mau lành.

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

 

Giỏ hàng