Mỏ quạ, Vàng lồ, Hoàng lồ - Maclura cochinchinensis (Lour.) Corner (Vanieria cochin-chinenssis Lour.), thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.
♦ Mô tả: Cây bụi, sống tựa, có cành dài mềm, thân có nhựa mủ trắng như sữa. Vỏ thân màu xám có nhiều lỗ bì màu trắng. Thân và cành có nhiều gai cong quặp xuống trông như mỏ con quạ. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, dài 3-8cm, rộng 2-3,5cm, gốc nhọn, nhẵn bóng ở mặt trên; cuống lá mảnh, có lông. Cụm hoa hình đầu, đơn tính, khác gốc, mọc ở nách lá, màu vàng nhạt. Quả nạc hình cầu mềm hơi cụt ở đầu, khi chín màu vàng; hạt nhỏ. Ra hoa tháng 4-5 có quả tháng 10-12.
♦ Bộ phận dùng: Rễ và lá - Radix et Folium Maclurae Cochin-chinensis.
♦ Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở các nước nhiệt đới Á châu, Ðông Phi châu, Úc châu. Ở nước ta, cây mọc hoang ở đồi núi, ven đường và được trồng làm hàng rào từ Lào Cai, Vĩnh Phú đến Quảng Trị, Lâm Ðồng và Ðồng Nai. Thu hái quanh năm, rửa sạch thái phiến, phơi khô dùng dần. Lá thu hái quanh năm, bỏ cuống, dùng tươi hoặc nấu cao.
♦ Thành phần hóa học: Rễ và lá chứa flavonoid, tanin pyrocatechic và acid hữu cơ.
♦ Tính vị, tác dụng: Hơi đắng, tính hơi mát, có tác dụng hoạt huyết khư phong, thư cân hoạt lạc.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả dùng ăn được hoặc để nấu rượu. Rễ được dùng trị đòn ngã, phong thấp đau nhức lưng gối, lao phổi, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu, bế kinh, hoàng đản và ung sang thũng độc. Liều dùng: 12-40g dạng thuốc sắc. Cũng thường phối hợp với các vị thuốc khác. Lá có thể dùng cho tằm ăn và dùng chữa các vết thương phần mềm. Ở Thái Lan, người ta còn dùng gỗ trị sốt mạn tính làm thuốc bổ và trị ỉa chảy. + Đơn thuốc: 1. Chữa lao phổi, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu: Mỏ quạ 40g, Dây Rung rúc 30g, Bách bộ và Hoàng liên ô rô, mỗi vị 20g sắc uống. 2. Chữa kinh giản, lên cơn hằng ngày hay 3-4 ngày phát một lần: Dùng Mỏ quạ, hạt Cau, Thảo quả, mỗi vị 20g sắc uống (theo Hoạt nhân toát yếu). 3. Chữa vết thương phần mềm (theo kinh nghiệm của cụ lang Long ở Hải Hưng): lá Mỏ quạ tươi, lấy về rửa sạch bỏ cuống, giã nhỏ đắp vào vết thương. Mỗi ngày dùng lá Trầu không nấu nước, pha thêm một cục phèn 8g hoà tan rửa vết thương, rồi đắp thuốc mới, độ 3-5 ngày là khỏi. Nếu vết thương xuyên thủng thì đắp hai bên dính lại ngày làm một lần. Nếu vết thương thịt chậm đầy, lâu kéo miệng thì dùng lá Mỏ quạ tươi với lá Bòng bong, hai vị bằng nhau giã đắp và thay thuốc sau khi rửa vết thương mỗi ngày một lần như trên. Sau 3-4 ngày thì giã thêm lá Hàn the, ba thứ bằng nhau giã đắp và thay thuốc 3 ngày một lần để vết thương mau lên da non và gom miệng. Sau 2-3 lần băng với ba vị thuốc trên, dùng thuốc bột chế với phấn cây Cau (sao khô) 20g, phấn cây Chè (sao khô) 16g, Bồ hóng 8g, Phèn phi 4g tán rắc vết thương rồi để yên cho đóng vẩy và róc thì thôi.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.