Mùi tàu, Rau mùi tàu, Ngò tàu, Ngò gai - Eryngium foetidum L., thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, nhẵn, có thân đơn độc, phân nhánh ở ngọn, cao 15-50cm. Lá ở gốc hình hoa thị, mỏng, thuôn mũi mác, thon hẹp lại ở gốc, mép có răng cưa, với răng hơi có gai. Lá ở thân có răng nhiều hơn, các lá ở trên xẻ 3-7 thùy ở chóp và có nhiều gai. Hoa thành đầu hình trứng hay hình trụ, có bao chung gồm 5-7 lá bắc hình mũi mác dẹp, mỗi bên có 1-2 răng và một gai ở chóp. Quả gần hình cầu, hơi dẹt, đường kính 2mm.
♦ Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Eryngii Foetidi
♦ Nơi sống và thu hái: Cây của Mỹ châu nhiệt đới, được truyền vào nước ta, mọc hoang phổ biến nơi ẩm mát vùng đồi núi và được trồng ở nhiều nơi làm gia vị. Trồng bằng hạt vào đầu mùa mưa. Ðể làm thuốc, có thể thu hái toàn cây quanh năm, thường dùng tươi hoặc phơi khô trong mát để dùng dần.
♦ Thành phần hóa học: Cây chứa 0,02-0,04% tinh dầu bay hơi. Rễ chứa saponin.
♦ Tính vị, tác dụng: Mùi tàu có vị hơi đắng, cay, tính ấm, có mùi thơm; có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiệm tỳ, hành khí tiêu thũng, giảm đau.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Mùi tàu là cây rau gia vị quen thuộc, giúp khai vị, ăn ngon cơm, tiêu thức ăn, giải độc chất tanh. Có thể ăn sống hay nấu chín. Toàn cây được dùng làm thuốc trị: 1. Cảm mạo đau tức ngực; 2. Rối loạn tiêu hoá; 3. Viêm ruột ỉa chảy. Liều dùng: 10-15g hãm uống hay sắc uống, chia làm nhiều lần. Dùng ngoài, giã nát đắp trị các vết thương và rắn cắn. Ở Malaixia, người ta dùng rễ Mùi tàu với rễ Cam thảo đất làm thuốc lợi tiêu hoá. Phụ nữ thường dùng phối hợp với Bồ kết để gội đầu cho thơm tóc. Ðơn thuốc: 1. Chữa cảm mạo, ăn uống không tiêu: Mùi tàu khô 10g, Cam thảo đất 6g, nước 300ml, đun sôi. Giữ sôi trong 15 phút. Chia 3 lần uống trong ngày, uống nóng. 2. Ðể chữa sốt, cảm mạo: Có thể phối hợp với các loại cây thuốc khác có tinh dầu như Lức, Ngải cứu, Gừng.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.