24.5 2022

Muồng trâu

Muồng trâu hay Muồng lác - Cassia alata L., thuộc họ Đậu - Fabaceae.

♦ Mô tả: Cây nhỏ cao chừng 1,5m hay hơn, ít phân cành. Lá lớn có cuống dài 30-40cm, hơi có rìa, mang 8-12 đôi lá chét. Cụm hoa bông ở nách lá, gồm nhiều hoa màu vàng. Quả dẹt có cánh ở hai bên rìa, chứa tới 60 hạt, hình quả trám. Cây ra hoa kết quả vào mùa đông.

♦  Bộ phận dùng: Lá, cành, hạt, rễ - Folium, Ramulus, Semen et Radix Cassiae Alatae.

♦ Nơi sống và thu hái: Cây của nhiệt đới châu Mỹ, nay trở thành liên nhiệt đới, mọc hoang ở những nơi đất hoang tới độ cao 1000m và cũng được trồng ở nhiều nơi. Có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt. Cây ưa đất, cao ráo, ấm mát. Trồng bằng cành, cây mọc tốt, khỏe và nhanh. Cắt ra từng đoạn dài 20-30cm, đem trồng vào vụ xuân hè. Nhiều nơi trồng thành hàng rào. Ta thường thu hái lá và thân vào mùa hạ thu, trước khi cây ra hoa. Dùng tươi hay phơi nắng cho khô. Quả thu hái vào tháng 10-12, lấy hạt phơi khô hay dùng tươi.

♦ Thành phần hóa học: Trong lá, quả và rễ đều có chứa các dẫn chất anthraquinon. Có hàm lượng 0,15-0,20% ở lá, 1,5-2% ở quả. Trong lá có chrysophanol, aloe emodin, rheine emodin; có flavonoid là kaempferol. Ngoài ra còn có một steroid là sitosterol trong rễ cây.

♦ Tính vị, tác dụng: Các bộ phận của cây có vị hơi đắng, mùi hăng hắc, tính mát; có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Nếu sao vàng thì nhuận gan, tiêu thực, tiêu độc, tiêu viêm. Lá có vị cay, tính ấm; có tác dụng sát trùng, chống ngứa.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng chữa táo bón, nhiều đờm; phù thũng, đan gan, vàng da. Lá dùng trị viêm da thần kinh, hắc lào, thấp sang, ngứa lở người da, mụn nhọt sưng lở. Lấy cành, lá, rễ hoặc hạt sắc nước uống. Bột lá hoặc bột thân uống hằng ngày với liều thấp (4-8g) dùng nhuận tràng, và với liều cao (10-12g) dùng xổ. Hạt dùng với liều 4-5g để nhuận tràng, với liều cao 5-8g dùng xổ. Lá giã nát, lấy nước bôi hoặc xát chữa bệnh ngoài da; nếu thêm một ít muối hoặc dịch quả chanh, tác dụng mạnh hơn. Lá muồng trâu còn dùng trị ghẻ cho gia súc.

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

 

Giỏ hàng