30.5 2022

Nhân trần

Nhân trần - Adenosma caeruleum R.Br. (Adenosma glutinosum (L.) Druce, thuộc họ Hoa mõm sói -Scrophulariaceae.

♦ Mô tả: Thân thảo cao tới gần 1m, hình trụ đơn hay phân nhánh. Lá phía dưới mọc đối, lá phía trên có khi mọc so le, hình trái xoan nhọn, khía tai bèo hay răng cưa; cuống dài 4-15mm. Hoa mọc ở nách lá thành chùm hay bông có thể dài tới 40-50cm. Tràng màu tía hay lam, chia 2 môi, nhị 4, bầu có vòi nhuỵ hơi dãn ra ở đỉnh. Quả nang dài hình trứng, có mỏ ngắn nở thành 4 van. Hạt nhiều, bé, hình trứng. Mùa hoa quả tháng 4-9.

♦  Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Adenosmatis Caerulei.

♦ Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Malaixia và Châu Đại Dương. Ở nước ta, cây mọc hoang ở đồi núi, bờ ruộng, bãi trống ở nhiều nơi. Cũng có thể gieo trồng bằng hạt vào mùa xuân. Có thể thu hái toàn cây vào mùa hè, thu khi cây đang ra hoa, rửa sạch, phơi trong râm đến khô.

♦ Thành phần hóa học: Trong cây có saponin triterpenic, flavonoid, acid nhân thơm, coumarin và tinh dầu. Cả cây có 1% tinh dầu có mùi cineol mà thành phần là terpen và ancol.

♦ Tính vị, tác dụng: Vị hơi cay, đắng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng thanh nhiệt, khư phong, tiêu thũng, tiêu viêm, chống ngứa.

♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa: 1. Hoàng đản cấp tính; 2. Tiểu tiện vàng đục và ít; 3. Phụ nữ sau sinh đẻ ăn chậm tiêu. Ngày dùng 20-30g, dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Nhân dân thường dùng Nhân trần làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Nước sắc cây này có tác dụng tiêu, kích thích ăn uống và bổ máu. Cũng dùng kết hợp với quả Dành dành chữa bệnh viêm gan vàng da, một bệnh thường phát triển ở trẻ em. Ở Trung Quốc, người ta dùng cây này để chữa: 1. Giai đoạn đầu của bệnh bại liệt trẻ em, thấp khớp đau nhức xương; 2. Đau dạ dày; 3. Rắn cắn, đòn ngã tổn thương, viêm mủ da; 4. Eczema, mề đay. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Để dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa.

• Tài liệu tham khảo: 

- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.

- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.

 

Giỏ hàng