Sâm cau lá lớn, Cồ nốc hoa đầu– Curculigo capitulata (Lour.) Kuntze., thuộc họ Hạ Trâm – Hypoxidaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo nhẵn, cao 60-80cm. Lá tất cả đều ở gốc; phiến dài 30-40cm (đến 1m), rộng 15-20cm, nhọn hai đầu; cuống lá dài 20-30 cm, có khía, có bẹ ở gốc. Hoa nhiều, màu vàng mọc thành đầu dày đặc. Quả có hạt đen.
♦ Bộ phận dùng: Hoa, rễ và quả - Flos, Radix et Fructus Curculiginis.
♦ Nơi sống và thu hái: Cây phân bố ở Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.
♦ Thành phần hóa học: Curculoside A, Curculigine, 1-O-methylisocurculigine, 1-O-methylcurculigine, Isocurculigenin, Curculigenin, Capituloside B, cùng với 8 hợp chất đã biết, curcapicycloside, capituloside, breviscaside B, crassifogenin C, breviscapin A, methyl-4-O-coumaroylquinate, orcinol glucoside và axit 2,6-dimethoxy-benzioc.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị cay, tính ấm; có tác dụng bổ thận tráng dương, ôn trung táo thấp, tán ứ trừ tê, tráng gân cốt.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Dân gian dùng thân rễ nấu cao uống trị ứ huyết, phong thấp, tiêu viêm, cao huyết áp . Sâm cau lá lớn được dùng như tiên mao chữa: nam giới tinh lạnh, liệt dương; phụ nữ đái đục, bạch đới, người già đái són lạnh dạ; thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Ngày dùng 6-12g phối hợp với các vị khác dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
♦ Các thông tin khoa học ở nước ngoài: (lược dịch)
- Trong chi Curculigo, Sâm cau lá nhỏ (Curculigo orchioides Gaertn), Sâm cau lá lớn ( Curculigo capitulata (Lour) O. Ktze)... thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ.
- Curculigo orchioides, Curculigo capitulata đã được sử dụng làm thuốc cổ truyền để điều trị các loại bệnh như liệt dương, đau nhức xương khớp, các bệnh về đường tiêu hóa và tim mạch, v.v.
- Curculigo capitulata được sử dụng để điều trị suy nhược, suy thận, bất lực và tăng chất lượng tinh trùng trong y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, bể thận và viêm thận cấp tính, viêm thận mãn, phù, viêm bàng quang, sỏi thận, cao huyết áp và thấp khớp trong y học cổ truyền DAI (Traditional Dai medicine) Trung Quốc.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập 2, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển III, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23562803/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30892044/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14989374/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10346957/