Tầm gửi cây gạo
• Tên khoa học: Taxillus chinensis (DC.) Danser , thuộc họ Tầm gửi : Loranthaceae
►Theo kinh nghiệm dân gian, loại có tác dụng sinh học cao trong các loại tầm gửi là loại tầm gửi tía mọc trên cây gạo. Tầm gửi gạo có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, khử phong thấp, an thai; thường dùng trị phong thấp, tê bại, lưng gối mỏi đau, gân xương nhức mỏi, thai động không yên, đau bụng, huyết áp cao.
►Theo NCS Vũ Xuân Giang (2014), Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và tác dụng sinh học của hai loài tầm gửi Taxillus chinensis (DC.) Dans. và Macrosolen tricolor (L.) Dans. , Luận án tiến sĩ dược học, Đại học dược Hà Nội.
♦ Tầm gửi cây gạo có tác dụng sinh học như sau:
- Đã chứng minh cao lỏng tầm gửi Taxillus chinensis kí sinh trên cây Gạo ở 2 liều 30g dược liệu/kg và 60g dược liệu/kg đều có tác dụng bảo vệ gan qua việc hạn chế tăng trọng lượng gan, hạn chế tăng hoạt độ enzym AST, ALT và hạn chế tổn thương đại thể và vi thể gan. Tầm gửi Taxillus chinensis ở cả 2 liều 30g dược liệu/kg và 60g dược liệu/kg đều có tác dụng chống oxy hóa qua việc làm giảm hàm lượng MDA dịch đồng thể gan chuột tương đương silymarin liều 70mg/kg (p<0,05).
- Trên mô hình gây phù chân chuột công trắng bằng carrageenin và gây viêm màng bụng chuột cống trắng bằng carrageenin và formaldehyt, cao lỏng tầm gửi Taxillus chinensis ký sinh trên cây Gạo với liều 20g dược liệu/kg và 40g dược liệu/kg đều có tác dụng chống viêm cấp, tuy nhiên ở liều 40g dược liệu/kg có tác dụng mạnh hơn liều 20g dược liệu/kg ở cả 2 mô hình gây viêm cấp.
- Đã chứng minh 3 hợp chất phân lập từ tầm gửi Taxillus chinensis ký sinh trên cây Gạo là quercitrin (TGGT1), catechin (TGGT3), quercituron (TGGT5) có hoạt tính chống oxy hóa trên hệ DPPH với giá trị SC50 lần lượt là 40, 87; 15, 74; 13,31μg/ml.
• Tài liệu tham khảo:
- Vũ Xuân Giang(2014), Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và tác dụng sinh học của hai loài tầm gửi Taxillus chinensis (DC.) Dans. và Macrosolen tricolor (L.) Dans. , Luận án tiến sĩ dược học, Đại học dược Hà Nội.
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội