+ Tên thường gọi: Tầm gửi, Chùm gửi, Mộc vệ Trung Quốc...
+ Tên khoa học: Taxillus chinensis (DC.), Danser (đồng danh:Loranthus chinensis DC.), thuộc họ Tầm gửi - Loranthaceae.
(Tầm gửi kí sinh trên cây dâu thường gọi là Tang ký sinh, ngoài ra còn kí sinh trên nhiều cây chủ khác nhau như mít, gạo, chanh, ngái....vv.)
♦ Mô tả: Cây nhỏ, các nhánh non vàng vàng rồi không lông và có lỗ bì trắng. Lá mọc đối, lúc non có lông ở gân, chóp thuôn. Cụm hoa xim ở nách, cuống hoa ngắn hay dài. Hoa dài 1,5-2cm, xanh ở ngoài, đỏ ở trong, 4 nhị. Quả mọng tròn hay tròn dài có u, cao 6-8mm, 1 hạt. Ra hoa tháng 8-9, quả tháng 9-10.
♦ Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Taxilli
♦ Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta, cây thường bám vào các cây gỗ trong rừng ở nhiều nơi từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam- Ðà Nẵng, Gia Lai tới Lâm Ðồng, Khánh Hoà và Ninh Thuận. Thu hái toàn cây quanh năm, cắt ngắn, phơi khô.
♦ Thành phần hóa học: Cành, lá có avicularin và quercetin.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị đắng, ngọt, tính bình; có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân xương, khư phong thấp, an thai.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị phong thấp tê bại, lưng gối mỏi đau, gân xương nhức mỏi, thai động không yên, đau bụng, huyết áp cao. Liều dùng 12-20g sắc uống. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), toàn cây dùng trị phế nhiệt sinh ho, phong thấp tê đau; thân, lá dùng trị đòn ngã tổn thương.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội