Tam thất hoang, Tam thất lá xẻ, Vũ diệp tam thất - Panax bipinnatifidus Seem. (P. japonicus C.A. Mey.var. bipinnatifidus (Seem.) C. Y. Wu et Feng ex C. Chow et all), thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae.
♦ Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, rễ dài có nhiều đốt và những vết sẹo do thân rụng hằng năm để lại. Thân mảnh cao 10-20cm, tới 50cm, thường lụi vào mùa khô. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3 cái một, mang 3-7 lá chét mỏng, không lông, mép có răng đôi cạn hay sâu dạng thùy. Hoa màu trắng lục xếp 20-30 cái thành tán đơn trên một trục dài 15-20cm ở ngọn thân, cuống hoa cỡ 1cm. Quả mọng, khi chín màu đỏ, chứa 1-2 hạt. Ra hoa tháng 7-9.
♦ Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Panacis Bipinnatifidi.
♦ Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam, ở độ cao 1900-2400m trong rừng ẩm. Cây mọc hoang ở vùng núi cao lạnh của tỉnh Lào Cai. Cũng được trồng và cây mọc tốt như Tam thất. Thu hoạch rễ củ ở những cây lâu năm, rửa sạch, phơi khô hay sấy khô.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị đắng, nhạt, tính hàn; có tác dụng tư bổ cường tráng, tiêu viêm giảm đau, khư ứ sinh tân và cầm máu.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ củ tam thất hoang dùng cầm máu các loại vết thương và xuất huyết. Cũng được dùng như Tam thất làm thuốc bổ chữa thiếu máu, xanh xao gầy còm nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh đẻ, còn có tác dụng kích thích sinh dục và được dùng trong điều trị vô sinh. Liều dùng 4-8g thuốc bột hoặc rượu thuốc. Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng rễ củ chữa thổ huyết, chảy máu mũi, đòn ngã tổn thương, thương tổn bên trong gây đau lưng.
*Ghi chú: Hiện tại một số nhà phân loại thực vật đã phân tích bộ gen một số loài chi Panax ở Việt Nam bằng các kĩ thuật sinh học phân tử và đưa ra kết luận rằng: Việt Nam không có loài Sâm vũ diệp: Panax bipinnatifidus Seem. mà dạng lá xẻ thường gặp vẫn là loài Tam thất hoang: Panax stipuleanatus H.T. Tsai et K.M. Feng.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.