Thiên lý, Hoa thiên lý, Hoa lý - Telosma cordata (Burm. f.) Merr. (Asclepias cordata Burm. f.), thuộc họ Thiên lý - Asclepiadaceae.
♦ Mô tả: Dây leo quấn có thân cành hơi có lông, mủ trắng. Lá mọc đối, phiến lá hình tim, dài 6-11cm, rộng 4-7,5cm, chóp nhọn, mép lá thường cong lên. Hoa khá to, nhiều, màu vàng lục nhạt, mùi thơm dễ chịu, mọc thành xim dạng tán ở nách lá. Quả thuộc loại quả đại, dài 6-10cm, rộng 12-14mm; hạt dài 1,5cm, có mào lông dài 3cm. Hoa tháng 5-8.
♦ Bộ phận dùng: Rễ, hoa - Radix et Flos Telosmae Cordatae.
♦ Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc và các nước Á châu nhiệt đới, được trồng làm giàn cho mát và lấy hoa nấu canh ăn. Thu hái lá quanh năm, hoa vào lúc cây có hoa và quả vào mùa thu đông, phơi hay sấy khô để dùng dần.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, tính bình; có tác dụng bình can, thanh mục, tiêu viêm mắt, làm tan màng mộng, làm chóng lên da non và thanh nhiệt giải độc. Hoa thiên lý còn có tác dụng giải nhiệt, an thần, gây ngủ và còn có tác dụng trị giun kim.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường dùng hoa thiên lý xào hay nấu canh ăn bổ mát, giúp ngủ ngon không trằn trọc, bớt đi đái đêm và đỡ mệt mỏi đau lưng. Ở Thái Lan, hoa và lá đều dùng ăn. Hoa và lá còn được dùng trị viêm kết mạc cấp và mạn, viêm giác mạc, mờ đục màng mắt, viêm kết mạc do bệnh sởi. Lá dùng ngoài giã đắp lên các mụn nhọt, vết loét, trị lòi dom và sa dạ con. Rễ cây được dùng để chế mứt và dùng chữa đái buốt có máu hoặc có cặn trắng. Cách dùng: Ngày dùng 3-5g hoa hoặc lá, dạng thuốc sắc. Có thể dùng một quả thay cho hoa. Ðể đắp ngoài, lấy lá tươi giã nát đắp. Ðể trị lòi dom và bệnh sa dạ con lấy 30-50g lá với 5% muối, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt tẩm bông đắp rịt vào hậu môn hay âm hộ (sau khi đã rửa sạch chỗ đau bằng nước muối) mỗi ngày thay một lần, sau 3-4 ngày thấy có kết quả. Rễ dùng 12-20g, dạng thuốc sắc.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập I, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.