Thuốc phiện, A phiến, Anh túc, Cây thẩu - Papaver somniferum L., thuộc họ Thuốc phiện - Papaveraceae.
♦ Mô tả: Cây thảo hằng năm có thân chính mọc đứng cao tới 1-1,5m. Lá mọc so le - thuôn; các lá ở dưới xẻ thùy lông chim với các đoạn nhọn; các lá trên có răng. Hoa to, màu trắng, đỏ hay tím, mọc đơn độc ở ngọn thân, có cuống dài; nhị có bao phấn đen. Quả nang gần hình cầu, nhẵn, ở đầu một cuống phình, chứa nhiều hạt rất nhỏ có màu đen. Ra hoa tháng 3-5, có quả tháng 6-8.
♦ Bộ phận dùng: Vỏ quả đã chích nhựa, thường gọi là Cù túc xác. Anh túc xác - Pericarpium Papaveris; nhựa chích ở vỏ quả - Latex Papaveris.
♦ Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Bắc Phi châu và một số nước Á châu (Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Malaixia). Ở nước ta, cây được trồng ở vùng núi cao lạnh. Người ta chích nhựa ở vỏ quả chưa chín vào đầu mùa hạ, đem cô đặc. Còn vỏ quả đem phơi khô.
♦ Thành phần hóa học: Nhựa thuốc phiện chứa tới 25 alcaloid khác nhau, chủ yếu là morphine, codeine, thebaine, narcotine, narceine, papaverine; các acid hữu cơ; meconic, lactic, malic, tartric,citric, acetic, succinic; còn có protein, acid amin, dextrose, pectin. Quả khô chứa 0,388% morphine. 0,001% codeine, 0,335% papaverine và 0,247% narcotine. Hạt chứa dầu, không có alcaloid. Tỷ lệ morphine thay đổi tuỳ theo các bộ phận của cây, có nhiều ở quả rồi đến thân, rễ và lá.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị chua, chát, tính bình, có độc; có tác dụng liễm phế, sáp trường, chỉ thống Nhựa thuốc phiện có vị đắng hơi chát; có tác dụng giảm đau, gây ngủ.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp: Anh túc xác được dùng trị ho, ho gà, ỉa chảy, trĩ, bụng dạ lạnh đau. Liều dùng 3-6g. Nhựa được dùng chữa ho, đau bụng ỉa chảy, làm dễ thở trong suy tim. Dùng dạng bột, nhựa cao hay cồn thuốc. Liều dùng 0,005-0,02g tính theo hàm lượng morphin. Ở Trung Quốc, hoa và quả hãm uống làm thuốc dịu đau trong điều trị bạch đới, ho, ỉa chảy và lỵ. Hạt được dùng hãm uống làm thuốc gây ngủ cho trẻ em hay quậy và hay khóc; cũng dùng cho người lớn bị ỉa chảy và lỵ. Ở Malaixia, thuốc phiện được dùng ngoài trị trĩ, phong và các vết thương ở mắt. Đơn thuốc: Chữa lỵ dùng hoa Kim ngân. Cù túc xác, mỗi vị 4g, sắc uống.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập II, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.