Đỗ trọng nam, Đỗ trọng dây - Parameria Laevigata (Juss.) Moldenke, thuộc họ Trúc đào - Apocynaceae.
♦ Mô tả: Dây leo dài 5-10m, nhựa mủ màu trắng, khi gặp không khí thì khô, do đó nếu bẻ đôi vỏ hay lá ta đều thấy những sợi tơ kiểu như ở vỏ Đỗ trọng. Lá hình bầu dục, thuôn hay hình trái xoan ngược, dài 5-13cm, rộng 2-5cm, có mũi nhọn dài, nhọn hay tù ở chóp, có góc ở gốc, mặt trên sáng bóng, có mép hơi cong về phía dưới, dạng màng, thường mọc đối và có khi mọc vòng 3. Hoa trắng, thơm, xếp thành xim dạng ngù ở ngọn cây. Quả gồm hai quả đại, dài 15-30cm, rẽ đôi, nhọn, nhẵn; mào lông mềm, trắng, dài 2-5cm.
♦ Bộ phận dùng: Vỏ cây - Cortex Parameriae; ở Trung Quốc gọi là Trường tiết châu, Ngân quang Đỗ trọng.
♦ Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang trong rừng thứ sinh và lùm bụi nhiều nơi ở miền Bắc. (Lạng Sơn, Bắc Thái), miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh đến các tỉnh Tây Nguyên). Có thể thu hái vỏ cây quanh năm, đem về thái nhỏ, sao rồi phơi khô.
♦ Thành phần hóa học: Cây chứa chất nhầy, chất nhựa dẻo, tinh dầu, tanin.
♦ Tính vị, tác dụng: Đỗ trọng nam có vị hơi cay, tính bình, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, hạ nhiệt, giúp tiêu hoá.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp:
- Cũng dùng thay Đỗ trọng, chữa phong thấp, đau lưng, mỏi gối, thận hư liệt dương, sưng, tê phù, huyết áp cao. Liều dùng 4-12g dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây bỏ rễ trị phong thấp, đau nhức xương, dao chém thương tích, viêm thận. Ở Campuchia, vỏ thường được dùng chế loại thuốc uống hạ nhiệt khi bị sốt rét. Ở Ấn Độ, người ta dùng nước sắc uống trị lỵ và cũng dùng trị vết thương. Ở Philippin, vỏ nghiền trong dầu dùng trị vết thương và dùng trị bệnh lao. Ở Malaixia và Inđônêxia, vỏ cây Đỗ trọng nam là một vị thuốc giúp làm tử cung co lại sau khi đẻ con.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập 2, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển III, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.
Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng