Đơn nem, Đơn răng cưa - Maesa perlarius (Lour) Merr, (A sinensis A DC.), thuộc họ Đơn nem -Myrsinaceae.
♦ Mô tả: Cây bụi thẳng cao 1-3m; nhánh non, mặt dưới lá, cuống lá và cụm hoa có lông mịn. Lá hình bầu dục dài, hơi nhọn hay gần tròn ở gốc, thót nhọn và có mũi sắc ở đầu, có răng ít ở 2/3 trên, mỏng dạng màng, dài 6-11cm, rộng 2,5-5cm, mặt trên lục đậm, mặt dưới lục vàng, gân phụ 6-9 cặp. Cụm hoa chùm kép ở nách lá. Hoa màu trắng rộng 4mm; ống tràng bằng đài; 5 nhị. Quả hình trứng có vòi nhuỵ và lá đài tồn rộng cỡ 4mm, màu trắng vàng, có vỏ quả giữa nạc. Hạt nhiều dài 0,5mm, màu đen, sần sùi, có gai.
♦ Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Maesae Perlarii
♦ Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ởnước ta, cây mọc nhiều ở miền Bắc cho tới Thừa Thiên - Huế, thường gặp ở các đồi núi, dọc đường đi ven các rừng. Khi dùng thu hái cành lá, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
♦ Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính bình; có tác dụng tiêu thũng, tiếp cốt, khư hủ sinh cơ, chống ho.
♦ Công dụng, chỉ định và phối hợp:
- Lá thường được dùng để ăn gỏi, ướp nem, ăn với thịt, cá nướng. Lá cũng được dùng nấu nước uống thay chè. Thường được dùng làm thuốc trị 1. Đòn ngã tổn thương; 2. Dao chém; 3. Mụn nhọt sưng lở, viêm mủ da; 4. Ho và các bệnh đường hô hấp. Có thể dùng cây khô sắc uống hoặc dùng cây tươi giã đắp ngoài. Nhân dân thường dùng lá Đơn nem tươi nấu nước cho phụ nữ sinh đẻ uống để đỡ đau lưng mỏi gối. Người ta cũng dùng lá và rễ ngâm rượu uống để trừ giun.
• Tài liệu tham khảo:
- Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), tập 1, NXB Y học ,Hà Nội.
- Phạm Hoàng hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Quyển II, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Đỗ Tất lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Đỗ Huy Bích và CS (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội.
Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng